Kinh tế - xã hội Lâm_Bình

Kinh tế

Nông nghiệp

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp 2.180,47 ha, các cánh đồng phần lớn nhỏ, hẹp, phân tán dọc các triền đồi, một số cánh đồng rộng nằm ở các xã: Thượng Lâm, Thổ Bình,... Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện tuy không lớn song mầu mỡ, thích hợp với việc phát triển cây lương thực, cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng các loại cây ăn quả ôn đới.

Tổng sản lượng lương thực năm 2013 đạt 17.375 tấn. Năng suất lúa 56,2 tạ/ha, năng suất ngô 38,7 tạ/ha. Hệ số sử dụng đất 2,1 lần. Diện tích cây chè đạt 247,3 ha,.. Đang triển khai một số cây trồng mới, như: Lúa lai, ngô lai; cây bông được trồng ở các xã: Thượng Lâm, Lăng Can, Phúc Yên, Khuôn Hà,... Trong thời gian tới, chú trọng phát triển cây công nghiệp hàng hoá: Lạc, chè, mía và một số cây dược liệu.

Lâm nghiệp

Toàn huyện có 68.969,78 ha đất lâm nghiệp. Rừng có nhiều loại gỗ, thảo dược và muông thú quý, hiếm.

Song song với khai thác, huyện thực hiện việc trồng, khoanh nuôi, tái sinh rừng, tập trung vào các loại cây chủ yếu: Quế, lát, mỡ, keo,... Sau khi thực hiện giao đất, giao rừng, toàn huyện có 68,985 ha rừng. Độ che phủ rừng đạt trên 70%.

Nông lâm nghiệp thủy sản

Điều kiện tự nhiên của huyện thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp như: Bông, chè Shan, lạc... Chăn nuôi đại gia súc như: Trâu, bò, ngựa, dê ...Các loại cá có giá trị kinh tế cao như: Dầm xanh, Anh vũ, cá lăng, cá Chiên; nuôi cá Tầm trên khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Độ che phủ rừng đạt trên 70%, có nhiều loài cây quý hiếm như: Đinh hương, nghiến, trai, sến...

Đàn trâu có 8.312 con, đàn bò 1.345 con, đàn lợn có 23.476 con. Thực hiện Dự án ương nuôi cá giống thả hồ chứa nước thủy điện Tuyên Quang. Đang triển khai những vật nuôi mới như: Cá tấm, cá lăng, cá rô phi đơn tính, phát triển 56 lồng cá trên hồ thủy điện, tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản năm 2013 đạt 331 tấn.

Công nghiệp

Công nghiệp khai khoáng, chế biến nông, lâm sản,...

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định năm 1994) đạt 10.140 triệu đồng.

Thủ công nghiệp

Những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống:

  1. Nghề trồng bông chủ yếu ở các xã: Thượng Lâm, Lăng Can, Phúc Yên, Khuôn Hà, sản phẩm là bông, vải sợi.
  2. Nghề dệt thổ cẩm ở các xã: Thượng Lâm, Lăng Can, Phúc Yên, Khuôn Hà, sản phẩm là chăn, gối, địu, quần áo, khăn, túi thổ cẩm.
  3. Nghề đan lát mây, tre, giang ở xã Lăng Can, sản phẩm là: Mành cọ, khay, giỏ, đĩa,...
  4. Nghề gò, hàn, rèn ở các xã Thượng Lâm, Xuân Lập, Bình An với sản phẩm là dao, cuốc, xẻng, cày, bừa và các sản phẩm khác..
  5. Nghề mộc ở các xã Thượng Lâm, Lăng Can, Thổ Bình với sản phẩm là gỗ, ván, tủ, giường, bàn ghế...
  6. Các ngành nghề mới: Khai thác sỏi, cát ở xã Lăng Can, khai thác đá ở Thượng Lâm, Lăng Can; sản xuất gạch không nung chỉ ở các xã Lăng Can, Thổ Bình...

Dịch vụ, thương mại

Huyện có 3 chợ để trao đổi, mua bán các mặt hàng tiêu dùng và 16 điểm bán hàng chính sách xã hội. Các chợ tiêu biểu là:

  1. Chợ Thượng Lâm (trung tâm xã Thượng Lâm) họp vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Hàng hoá tiêu biểu bán tại chợ là quần áo, giầy, dép, hàng nông sản, lương thực, thực phẩm.
  2. Chợ Lăng Can (trung tâm xã Lăng Can) họp vào thứ 7 hàng tuần.
  3. Chợ Hồng Quang (trung tâm xã Hồng Quang) họp vào thứ 5 hàng tuần.

Xã hội

Giáo dục

Năm học 2013 - 2014: Toàn huyện có 26 trường học, trong đó:

  • Mầm non: 8 trường
  • Tiểu học: 8 trường
  • THCS: 8 trường
  • THPT: 2 trường.

Số lớp học của từng cấp học:

  • Mầm non: 120 nhóm lớp với 2.280 học sinh
  • Tiểu học 178 lớp với 2.548 học sinh
  • Trung học cơ sở 62 lớp với 1.790 học sinh
  • THPT: 21 lớp, với 837 học sinh.

Giáo viên:

  • Mầm non: 199 (cán bộ quản lý: 21, giáo viên: 170, nhân viên: 8)
  • Tiểu học: 251 (cán bộ quản lý: 22, giáo viên: 220, nhân viên: 9)
  • THCS: 155 (cán bộ quản lý: 16, giáo viên: 128, nhân viên: 11)
  • THPT: 53 (cán bộ quản lý: 4, giáo viên: 47, nhân viên: 2).

Y tế

Năm 2014, huyện có 1 bệnh viện đa khoa, với 50 giường bệnh và 8 trạm y tế xã với 40 giường bệnh.

Huyện có 12 bác sĩ; 52 Y sĩ ; 23 điều dưỡng, nữ hộ sinh; 5 dược sỹ.

Bưu chính viễn thông

Huyện có 2 Bưu cục cấp III:

  • Bưu cục Lăng Can phụ trách quản lý mạng bưu chính trên toàn huyện
  • Bưu cục Thượng Lâm.

Với 5 điểm bưu điện văn hoá xã gồm: Khuôn Hà, Xuân Lập, Bình An, Thổ Bình, Hồng Quang.

Đường thư vận chuyển đi Tỉnh lỵ mỗi ngày 1 chuyến. Duy trì phát công văn, thư báo đến 100% các xã, các cơ quan, đơn vị trong huyện hàng ngày.

Huyện có 1 Đài truyền thanh - Truyền hình, 1 trạm thu phát sóng truyền hình ở xã Thượng Lâm. Đã lắp đặt và đưa vào sử dụng các trạm truyền thanh không dây ở 8/8 xã.

Điện khí hoá nông thôn

Năm 1996, mạng lưới điện quốc gia được đưa vào sử dụng và hoạt động ổn định. Đến nay, đường điện đã đến 100% xã với 100 km đường dây 35 kV; 108 km đường dây 0,4 kV và có 44 trạm biến áp.